Bệnh lở cổ rễ (hay còn gọi là bệnh thối gốc) là một loại bệnh do nấm gây ra thường gặp ở hoa cúc. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cây cúc bị chết héo, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Hiểu rõ về bệnh này, nhà nông sẽ có những biện pháp phòng tránh và điều trị, hạn chế tối thiểu hậu quả gây ra.
1. Nguyên nhân gây bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc
Nấm Rhizoctonia solani là nguyên nhân gây ra bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc. Mầm bệnh tồn tại trong môi trường tự nhiên và được tìm thấy ở hầu hết các loại đất. Bên cạnh đó, nấm có thể tồn tại nhiều năm trong các cây cúc đã chết dưới dạng các hạch nấm có cấu trúc cứng.
Khi gặp môi trường ẩm ướt thuận lợi như: đất bị trũng nước, nước đọng sau mưa, gốc cây rậm rạp, các bào tử nấm sinh sôi nhanh và gây bệnh. Khoảng nhiệt độ thích hợp nhất cho loại nấm này là từ 22 đến 28 độ C. Nấm xâm nhập vào cây chủ yếu qua các vết xước trên bề mặt thân. Bệnh có thể gặp ở cả cây con và cây trưởng thành.
Ngoài ra, nấm Rhizoctonia solani còn gây bệnh lở cổ rễ trên ngô (bắp), lúa, mía,... Bên cạnh bệnh lở cổ rễ, loại nấm này còn gây ra bệnh thối thân, bệnh cháy lá, …. gây nhiều thiệt hại trong nông nghiệp.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc
Nhà vườn nêu chú ý một số dấu hiệu bất thường sau để phát hiện sớm bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc:
Ở gốc cây, rễ hoặc cổ rễ xuất hiện những nốt sần màu nâu xám. Các vết bệnh loang dần ra, chuyển sang màu sẫm đen, gốc cây bắt đầu thối mục. Nếu gặp điều kiện ẩm ướt, phần vết bệnh sẽ nhanh thối mục hơn.
Gốc cây trở lên teo, héo, hạn chế sự di chuyển của nước và các chất dinh dưỡng lên các cơ quan phía trên. Khi nhổ cây lên bị đứt ở chỗ thối mục. Hoặc cây có thể bị gãy, đổ khi gặp gió lớn tại vùng thối mục này.
Nếu cây bị vàng lá, héo lá đột ngột, nhà nông nên kiểm tra lại phần gốc, tìm các dấu hiệu bệnh.
3. Cách trị bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc
Bệnh có thể lây lan sang cây khỏe mạnh do sự phát tán của các bào tử nấm. Để hạn chế bệnh lan rộng, nhà nông nên tiến hành tiêu hủy sớm các cây bệnh, rắc vôi bột xuống gốc để tiêu diệt tận gốc. Bên cạnh đó, người trồng cúc có thể sử dụng một số loại thuốc diệt nấm Rhizoctonia như: Bavistin 50FL, Fundanzole 50WP, Benlate 50 WP,..
4. Cách phòng trừ bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc
Để phòng trừ bệnh lở cổ rễ ở hoa cúc, nhà vườn cần lưu ý những điều sau:
Vệ sinh môi trường trước khi trồng cây:
Trước khi trồng cây, đất trường cần được khử trùng bằng vôi hoặc các chế phẩm để diệt sạch mầm bệnh. Bên cạnh đó, đất trồng cần được xới tơi xốp và lên luống, đảm bảo việc thoát nước thuận lợi, hạn chế tình trạng nước đọng sau này. Nhà vườn cũng lưu ý thu dọn tàn dư của của cây vụ trước. Điều này không chỉ có tác dụng phòng ngừa bệnh lở cổ rễ mà còn nhiều loại bệnh khác cho hoa cúc.
Đảm bảo vườn cúc luôn thông thoáng:
Do các bào tử nấm sinh sôi trong môi trường rậm rạp nên nhà vườn cần đảm bảo vườn cúc thông thoáng. Mật độ các cây cần được tính toán hợp lý và các cây, nhà vườn có thể tỉa lá, tỉa cành, tỉa cây nếu cần thiết.
Tưới nước đúng cách
Tưới nước sai cách dẫn đến hiện tượng nước đọng qua đêm, tạo môi trường ẩm ướt khiến nấm phát triển. Nhà vườn nên tưới nước vào buổi sáng sớm để hơi nước đọng sẽ nhanh chóng bay hơi. Một lưu ý khác đó chính là nên tưới vào gốc cây, hạn chế xối thẳng nước vào nụ, hoa hoặc các kẽ lá vì khi đó nước sẽ chảy xuống và đọng lại ở gần gốc cây.
Thăm vườn thường xuyên
Nhà vườn nên thường xuyên kiểm tra ruộng hoa để để nhanh chóng phát hiện và xử lý bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng có thể phun một số hóa chất diệt nấm để phòng bệnh như: chế phẩm nano bạc và nano đồng theo định kỳ.
CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT THÁI
Văn Phòng Đại Diện: 18 Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Hỗ trợ kỹ thuật: 0344 002 219
Comments