Thán thư là một loại bệnh do nấm gây ra xuất hiện ở rất nhiều loại cây trồng, trong đó có hoa hồng. Cây khi mắc bệnh lá thối, úa vàng, sinh trưởng chậm lại và giảm vẻ thẩm mỹ của cành hồng. Hôm nay, hãy cùng Giải Pháp Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Việt Thái tìm hiểu về bệnh thán thư ở Hoa Hồng qua bài viết này nhé!
1. Nguyên nhân gây bệnh thán thư ở hoa hồng
Thán thư một loại bệnh do nấm Colletotrichum sp. - một loại nấm bất toàn gây ra. Dưới kính hiển vi, giống nấm này có nhiều gai đen, đĩa đài chứa nhiều bào tử. Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt, độ ẩm không khí cao trên 70%. Việc để nước đọng qua đêm trên lá cũng tạo môi trường cho nấm gây bệnh thán thư phát triển.
Nhờ sự phát tán của gió, các tiếp xúc gần, bào tử nấm bám trên lá cây, mọc mầm và xâm nhiễm qua biểu bì là bằng đĩa áp mọc từ đầu của sợi nấm. Ngoài hoa hồng, nấm còn gây bệnh thán thư trên nhiều loại cây khác như cà phê, sầu riêng, ớt, các loại hoa khác như: hoa lan, hoa cúc,...
2. Dấu hiệu gây bệnh thán thư ở hoa hồng
Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết bệnh thán thư là những chấm nhỏ màu tím đỏ trên lá hoa hồng. Phần giữa của chấm có thể bị nứt, xước, có thể bị nhầm lẫn với các vết côn trùng cắn. Các chấm này sẽ to dần theo hình vòng tròn và lan rộng hơn, tạo thành các lỗ thủng lớn trên lá với kích thước lên đến 3 cm. Phần lá bị bệnh bị thối đen và nhanh rụng. Bên cạnh gây hại ở lá, bệnh còn gây hại cho phần chồi non và gốc.
Thán thư rất dễ lây lan qua đường không khí. Các bào tử nấm bay lơ lửng trong không trung, nhờ sức gió mà bám vào các tế bào vật chủ để ký sinh. Vì vậy, môi trường trồng cây quá rậm rạp, mật độ phân bố cây quá dày, độ ẩm cao, sẽ khiến tốc độ lây bệnh rất nhanh.
3. Cách chữa trị bệnh thán thư ở hoa hồng
Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, người trồng hoa cần nhanh chóng cắt tỉa các vùng bị tổn thương và tiêu hủy xa nơi trồng cây. Bên cạnh đó, người trồng có thể dùng các loại thuốc có các hoạt chất sau để phun lên cả 2 mặt lá: Carpropamid, Azoxystrobin, Difenoconazole, Tricyclazole,... Bạn Bạn có thể tham khảo một số loại thuốc chứa hoạt chất này như Score 250ND, Amistar top 325 SC, Help 400SC,...
4. Cách phòng trừ bệnh thán thư ở hoa hồng
Để có thể phòng trừ bệnh thán thư ở hoa hồng, người trồng hoa cần thực hiện một số việc sau:
Giữ vườn hoa thông thoáng
Khi vườn hoa hồng được thông thoáng, khô ráo sẽ hạn chế sự phát triển của các bào tử nấm gây bệnh thán thư. Bạn cần giữ khoảng cách, mật độ phù hợp, cắt tỉa lá, cành thường xuyên, tránh để các cành hồng mọc um tùm thành bụi. Các lá già rụng xuống cũng nên được dọn dẹp để tránh các bào tử nấm ký sinh vào đó.
Chế độ nước tưới hợp lý
Bạn cần hạn chế để tình trạng nước đọng, tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển. Việc tưới nước nên được thực hiện vào ban ngày, tránh tưới nước vào chiều tối. Khi tưới nước hạn chế tưới thẳng vào nụ hoa, kẽ lá, kẽ chồi.
Thường xuyên thăm nom
Việc thường xuyên thăm nom sẽ giúp người trồng kiểm soát được quá trình sinh trưởng của hoa hồng. Điều này giúp người trồng phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, từ đó có các phương án xử lý sớm, hạn chế tối đa thiệt hại mà bệnh thán thư gây ra.
CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT THÁI
Văn Phòng Đại Diện: 18 Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Hỗ trợ kỹ thuật: 0344 002 219
Comments