Mỗi loại cây trồng khác nhau sẽ có chế độ phân bón riêng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của chúng. Vậy với hoa cúc vàng, chế độ phân bón có những điểm lưu ý gì quan trọng? Hãy cùng Giải Pháp Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Việt Thái tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG PHÂN BÓN
Khi sử dụng phân bón cho hoa cúc, người trồng cần nhớ áp dụng nguyên tắc 3 đúng: đúng lúc (khi cây có nhu cầu), đúng loại (đúng loại nguyên tố mà cây cần) và đúng liều lượng. Khi tuân thủ đúng điều này, khả năng hấp thụ của cây sẽ được tối ưu, hạn chế dư thừa thuốc gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Với hoa cúc, việc bón phân giữa các vụ hoa khác nhau cũng có sự khác biệt. Với các vụ cúc Xuân Hè, Hè Thu, thời tiết ấm áp, nhiều ánh sáng và độ ẩm cao; phân bón nhanh phân giải các dưỡng chất nên có thể cân đối giữa bón lót và bón thúc. Tuy nhiên, với các vụ hoa Thu Đông, Đông Xuân, thời tiết lạnh và hanh khô, quá trình phân giải việc bón thúc cần được tăng cường nhiều hơn.
2. CHẾ ĐỘ BÓN PHÂN Ở HOA CÚC
- Bón lót trước khi trồng cây:
Bón lót là khâu quan trọng trong việc xử lý đất trước khi trồng cúc. Việc này được thực hiện trước khi canh tác khoảng 3-4 tuần để các chất dinh dưỡng kịp phân giải, cây con sử dụng trong giai đoạn đầu của chu kỳ sinh trưởng.
Nhà vườn có thể tham khảo công thức bón lót cho 1 công (1.000m2) như sau:
4,5 tấn phân chuồng hoai mục
120 kg Compomix phân NPK.
Khi bón lót, đất trồng cần được lên luống cao khoảng 20-30cm, sau đó rải đều phân và trộn với đất. Có thể tưới thêm nước.
- Bón thúc vào giai đoạn cây cúc sinh trưởng:
Sau giai đoạn bén rễ và thích ứng với môi trường đất tự nhiên (khoảng 2 tuần), cây cần nhiều hơn chất dinh dưỡng để hoàn thiện bộ rễ, lá. Từ đây, việc bón thúc sẽ được chia thành nhiều đợt phù hợp với sự phát triển của cây, mỗi đợt cách nhau khoảng 15-20 ngày. Việc bón phân thành nhiều lần cũng hạn chế việc phân bón dư thừa, bị rửa trôi hoặc biến đổi thành các hợp chất có hại làm chai cứng đất trồng.
Tại giai đoạn bón thúc, bạn cần sử dụng các loại phân chứa 3 nguyên tố chính NPK (Nitơ, Photpho và Kali) và nhóm nguyên tố trung, vi lượng như Magie, Canxi, Bo, … Phân bón được sử dụng chủ yếu dưới dạng hạt và bón vào gốc. Trước khi bón từ 1-2 ngày, bạn nên hòa phân vào nước cho tan hết, sau đó tưới cho cây.
Nhà vườn có thể tham khảo công thức bón thúc cho 1 công (1.000m2) như sau:
Bón thúc đợt 1: 2 kg ure+ 10kg Đầu trâu hoặc 5 kg ure + 5kg kali clorua + 5 kg Supe lân (sau khi trồng cây khoảng 2 tuần).
Bón thúc đợt 2,3: 2 kg ure + 10 kg Đầu trâu hoặc 5 kg ure + 5 kg kali clorua+5 kg Supe lân
- Bón trong thời kỳ ra hoa
Sau khi hoàn thiện các bộ phận và chức năng sinh lý, cúc sẽ bước vào giai đoạn ra hoa. Vào giai đoạn này, chế độ bón phân cần giảm hàm lượng đạm (N) và tăng hàm lượng Kali (K). Nhà vườn tiếp tục thực hiện các đợt bón thúc lần 4 và lần 5 như sau:
5 kg kali clorua + 15 kg Đầu trâu hoặc 5 kg kali clorua 5 kg ure 10 kg Supe lân
Bên cạnh đó, người trồng có thể sử dụng thêm một số loại chất kích thích sinh trưởng như Atonik 1.8 Sl, một số loại hoocmon tăng trưởng để cúc ra hoa đúng như tiến độ.
3. KẾT LUẬN
Trong dân gian Việt Nam có câu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, chế độ phân bón là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng của hoa cúc. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp các thông tin hữu ích, giúp bạn đọc xây dựng được chế độ phân bón hợp lý cho hoa cúc.
CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT THÁI
Văn Phòng Đại Diện: 18 Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Hotline: 0903 197 089
Hỗ trợ kỹ thuật: 0344 002 21
Comments