Khí hậu mát mẻ quanh năm của Đà Lạt là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại cây trồng ôn đới phát triển, trong đó có ớt chuông (hay còn gọi là ớt ngọt). Hiện, Đà Lạt là vùng trồng ớt chuông lớn nhất cả nước, từ đó hình thành nên thương hiệu Ớt Chuông Đà Lạt. Kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây này có gì đặc biệt? Hãy cùng Giải Pháp Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Việt Thái tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Giới thiệu về ớt chuông Đà Lạt
Ớt chuông Đà Lạt có tên khoa học là Capsicum annum K, có nguồn gốc từ ở khu vực Mỹ La Tinh, khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Hình dáng của quả tròn, dài, khá giống chiếc chuông. Khác với đặc điểm chung của nhiều loại ớt, ớt chuông có phần cùi dày và giòn, vị ngọt, không cay gắt. Cây cho quả với ba màu sắc chính: vàng, đỏ, xanh.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra trong ớt chuông có rất nhiều các vitamin A, C và các chất dinh dưỡng khác như canxi, photpho. Cộng thêm với vẻ ngoài bắt mắt, vị ngon ngọt, ớt chuông Đà Lạt rất được ưa chuộng và là nguyên liệu phổ biến trong nhiều món ăn.
2. Canh tác ớt chuông Đà Lạt trong nhà kính:
Tại Việt Nam, Đà Lạt là nguồn cung ớt chuông lớn nhất cả nước. Ớt chuông được trồng trong nhà kính, sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Hệ thống này có những ưu điểm hỗ trợ rất lớn quá trình canh tác của người trồng như sau:
Môi trường nhà kính khép kín, hạn chế tác động từ bên ngoài lên cây trồng.
Nhiệt độ trong nhà kính (nhà màng) được kiểm soát bằng hệ thống quạt thông gió, lò sưởi, các tấm làm mát
Độ ẩm được kiểm soát bằng máy phun sương và dùng quạt thông gió để giữ độ ẩm giống nhau tại mọi vị trí trong nhà lưới
Sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng, bổ trợ cho ánh sáng tự nhiên
Sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt để tưới nước tự động theo chu kỳ. Hệ thống tưới nước này đúng vị trí, đúng thời điểm và đúng lượng nước ớt chuông cần.
Với những đặc điểm đó, ớt chuông Đà Lạt trồng trong nhà màng có môi trường thuận lợi nhất để sinh trưởng và phát triển, hạn chế tối đa sâu bệnh. Tuy tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, song Ớt chuông có nguồn đầu ra ổn định, người trồng có thể thu hồi vốn sau 1 năm canh tác.
3. Thời vụ trồng Ớt chuông
Thời gian từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch ớt kéo từ 5-7 tháng. Kết hợp với việc ớt chuông cũng không chịu được thời tiết quá nắng nóng vào mùa hè nên tại Đà Lạt, ớt chuông thường được trồng thành 2 vụ:
Vụ ớt chuông tháng 8- tháng 2 năm sau: bắt đầu gieo hạt từ tháng 8, cho thu hoạch vào tháng 1,2 năm sau. Đây là vụ chính, ớt cho chất lượng tốt và năng suất cao
Vụ ớt chuông tháng 12- tháng 4 năm sau: bắt đầu gieo hạt từ tháng 12, cho thu hoạch vào tháng 3-4 năm sau. Ớt trái vụ nên cho năng suất thấp hơn và dễ mắc sâu bệnh hơn.
4. Kỹ thuật trồng trồng ớt chuông
Cách ươm hạt giống
Ớt chuông được nhân giống bằng cách gieo hạt. Hạt giống mua về cần âm nước ấm nửa ngày, sau đó gieo hạt vào khay đất. Ươm hạt trong khay đất khoảng 2 tuần cho đến đến khi cây ra 3-4 lá, cao khoảng 6-8 cm thì đưa cây lên luống ớt.
Cách tạo luống ớt:
Luống trồng ớt cao khoảng 25cm, rộng 1,4m. Mỗi luống trồng được 2 hàng, khoảng cách 2 hàng khoảng 40 cm. Người trồng cần lưu ý cần giữ khoảng cách giữa các cây khoảng 50cm. Như vậy mật độ trồng ớt là khoảng 2900 - 3100 cây/ m2.
Sau khoảng 1 tháng trồng, khi cây đạt độ cao 40cm sẽ được cố định thẳng bằng dây thép để tạo dáng, tiện cho việc chăm sóc và kiểm tra.
5. Các thông số môi trường sống của ớt chuông Đà Lạt
Ớt chuông Đà Lạt phù hợp với môi trường sống có các điều kiện như sau:
Đất trồng: có pH trung tính ở ngưỡng 7.0, nhiều canxi và photpho.
Nhiệt độ đất lý tưởng dao động trong khoảng 21 ° C.
Nhiệt độ: ớt chuông sinh trưởng trong khoảng nhiệt độ từ 20 đến 30 độ C, phát triển tốt nhất từ 24 đến 27 độ C.
Độ ẩm đất: 80-90%, đất trồng cần giữ đủ ẩm.
Ánh sáng: Ớt chuông là cây ưa sáng, cần ít nhất 8 giờ sáng mỗi ngày. Vào giai đoạn ra hoa, cần kéo dài thời gian sáng để tăng tỷ lệ đậu quả.
6. Kỹ thuật chăm sóc cây ớt chuông Đà Lạt
Kỹ thuật chăm sóc ớt chuông Đà Lạt không quá khó. Người trồng chỉ cần lưu ý những điều sau để cây sinh trưởng khỏe mạnh nhất:
Làm giàn cho cây:
Với đặc tính là cây thân thảo, ớt chuông Đà Lạt cần được làm giàn để tạo dáng thẳng, hạn chế gãy đổ. Theo từng mức độ sinh trưởng của cây, cần cố định cành, thân tương ứng vào giàn bằng dây thép.
Tỉa nhánh:
Việc tỉa nhánh nhằm tạo dáng cây thẳng, gốc cây thông thoáng, hạn chế sâu bệnh và tiện cho việc thu hoạch. Người trồng nên tỉa bớt các nhánh gần gốc, chỉ để lại 3-5 nhánh lớn ở vị trí cách gốc 25 cm.
Tỉa hoa
Nếu cây ớt ra hoa khi chưa đạt 40 ngày tuổi thì cần được tỉa bỏ để cây tập trung hoàn thiện các cơ quan và các chức năng sinh trưởng. Nếu làm vậy, những lứa hoa sau sẽ cho quả to và chất lượng tốt hơn.
Thụ phấn cho cây ớt chuông:
Do đặc điểm cây trồng trong nhà kính ít có các loại côn trùng tự nhiên nên có thể sử dụng quạt máy công suất lớn, hoặc dẫn ong vào để thụ phấn cho cây.
Bón phân cho cây ớt
Các chất dinh dưỡng chính cần cho Ớt chuông Đà Lạt bao gồm NPK, Ca. Việc bón phân cho cây được thực hiện qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt với nồng độ chất dinh dưỡng trong dung dịch khoảng: N 172ppm, K: 300ppm, P; 41 ppm; Ca: 180 ppm.
Bên cạnh đó, người trồng có thể bổ sung các nguyên tố vi lượng khác như: Bo, Mangan qua phân bón lá.
7. Phòng sâu bệnh hại ở Ớt chuông Đà Lạt
Nhà kính tạo môi trường canh tác khép kín, hạn chế được sự xâm nhập của rất nhiều loại sâu bệnh hại. Trước khi canh tác, môi trường nhà màng cần được phun tiệt trùng, đất trồng cần được xử lý kỹ. Trong quá trình canh tác, người trồng cần thường xuyên kiểm tra độ kín của nhà màng và xử lý các vết hở.
Tuy nhiên, Ớt chuông vẫn có thể mắc một số bệnh như: bệnh héo rũ ở cây con, thán thư trái, héo xanh vi khuẩn và bị một số loại bọ gây hại như bọ trĩ, rệp đỏ, rầy đen. Người trồng cần thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh, sử dụng các biện pháp cơ giới như bẫy dính, bẫy sinh học nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc hóa học.
8. Thu hoạch
Khi ớt chuông có độ căng bóng, cùi dày và cứng, lắc quả có tiếng kêu là có thể thu hoạch. Có thể thu hoạch sớm ở thời điểm màu vỏ còn xanh hoặc chớm vàng.Nên dùng kéo sắc để cắt dứt khoát cuống quả.
Trong quá trình thu hoạch, bạn cần lưu ý hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ớt, nhựa quả và dịch quả vì có thể gây ra kích ứng, cay mắt.
CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT THÁI
Văn Phòng Đại Diện: 18 Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Hỗ trợ kỹ thuật: 0344 002 21
Comments