top of page
khanhha28022001namdinh

HỆ VI SINH VẬT TRONG ĐẤT: NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG CANH TÁC

Mỗi nhóm đất, mỗi khu vực đất khác nhau đều có hệ vi sinh vật riêng. Hệ vi sinh vật trong đất này quyết định đặc tính lý, hóa và độ dinh dưỡng của đất. Hiểu được vai trò quan trọng đó, chúng ta sẽ có những biện pháp phù hợp để cải tạo và nâng cao chất lượng đất trồng, bảo vệ môi trường tự nhiên.


1. Hệ vi sinh vật trong đất là gì?

Hệ vi sinh vật trong đất là những nhóm sinh vật, vi sinh vật cư trú trong đất. Hệ vi sinh vật trong đất rất đa dạng, có hình dạng và đặc điểm khác nhau. Chúng được phân chia thành các nhóm chủ yếu như sau:

  • Vi khuẩn

  • Nấm

  • Virus

  • Tảo

Trong đó, vi khuẩn là nhóm chiếm nhiều nhất về số lượng có mật độ phân bố, chủng loại rộng nhất. Tùy vào vị trí địa lý và tính chất môi trường đất mà số lượng mà tỷ lệ các nhóm sinh vật này sẽ khác nhau. Ở những nơi như đầm lầy, đất phù sa, đất nhiều chất hữu cơ, số lượng vi sinh vật rất nhiều. Trong khi ở những môi trường khô hạn, nhiều cát, đá, số lượng vi sinh vật lại ít hơn.

2. Vai trò của hệ vi sinh vật trong đất

Hệ vi sinh vật trong đất có vai trò quan trọng đối với môi trường tự nhiên nói chung và với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Cụ thể, trong nông nghiệp, hệ vi sinh vật có hai vai trò chính là cải tạo đặc tính của đất và tạo ra nguồn dinh dưỡng cho các cây trồng.

  • Hệ vi sinh vật trong đất quyết định đặc tính của đất

Các vi sinh vật đất có khả năng phân giải các chất hữu cơ trong đất như cellulose, lignin,… để tạo nên các chất khoáng, mùn bổ sung cho đất. Hoạt động của vi sinh vật, nhất là nhóm hiếu khí đã hình thành nên một thành phần của mùn là acid humic.

  • Hệ vi sinh vật trong đất tạo ra nguồn dinh dưỡng cho cây trồng

Trong đất sẽ có một số nhóm sinh vật có khả năng phân giải các chất dinh dưỡng cho cây trồng, có thể kể đến như: sinh vật cố định đạm, sinh vật phân giải lân, phân giải kali. Các phân bón, các chất dinh dưỡng từ môi trường ngoài sẽ được các vi sinh vật này chuyển hóa thành dạng mà cây trồng có thể hấp thu được.


Bên cạnh đó, một số loại vi sinh vật sống cộng sinh với cây trồng, có quan hệ mật thiết với cây. Chúng sử dụng những chất tiết của cây làm chất dinh dưỡng, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây qua quá trình hoạt động phân giải của mình. Vi sinh vật còn tiết ra các vitamin và chất sinh trưởng có lợi đối với cây trồng.

3. Cách duy trì hệ vi sinh vật trong đất

Hiện nay, hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất đang dần cạn kiệt. Điều này thể hiện rõ qua việc đất trồng giảm dần khả năng hấp thụ cũng như chuyển hóa các chất được bón vào. Để cải thiện điều này, cần áp dụng một số giải pháp như:

  • Trồng cây phủ đất

Che phủ mặt đất bằng thảm thực vật xanh. Trồng thêm các loại cây phân xanh để cải thiện dinh dưỡng trong đất. Trồng xen canh những loại cây họ đậu có vi sinh vật cố định đạm trong các nốt sần giúp cố định Nitơ tự nhiên cung cấp cho cây trồng.

  • Hạn chế sử dụng chất hóa học

Việc sử dụng phân bón hóa học không chỉ phá hoại hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, việc hạn chế sử dụng phân hóa học cũng là một cách bảo vệ môi trường sống chung. Thay vì sử dụng phân hóa học, bạn có thể sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học thay thế.

  • Bổ sung phân bón

Bón các loại phân xanh hoặc phân hữu cơ hoại mục nhằm cung cấp thức ăn cho vi sinh vật. Các loại phân xanh mục nát là nguồn thức ăn chính của vi sinh vật, vừa giúp phân giải chất khô đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho đất. Bên cạnh đó, việc bón các loại phân vi sinh nhằm bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất cũng là một giải pháp hiệu quả.


4. Kết luận

Hệ vi sinh vật không những giúp cải tạo môi trường đất mà còn là nguồn chất dinh dưỡng quan trọng cho cây trồng. Đây là nhân tố có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp thuận tự nhiên, cần được người nông dân chú ý đến và coi trọng nhiều hơn nữa.


CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT THÁI

Văn Phòng Đại Diện: 18 Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng

Hỗ trợ kỹ thuật: 0344 002 219


コメント


bottom of page