Hiện trạng đất trồng bị bạc màu, thoái hóa đang diễn ra ngày một trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và canh tác của người nông dân. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này? Hãy cùng Giải Pháp Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Việt Thái tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Đất trồng bị bạc màu, thoái hóa là gì?
Đất trồng bị bạc màu, thoái hóa là hiện tượng đất bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu theo chiều hướng xấu do sự tác động của điều kiện tự nhiên và con người. Hiện tượng này có thể xảy ra trên tất cả các loại đất: đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp, đất đồi núi, đất chưa sử dụng,.. Theo số liệu của tổng cục thống kê năm 2021, tổng diện tích đất bạc màu, thoái hóa chiếm 10% diện tích đất tự nhiên của cả nước.
Khi đất trồng bị bạc màu, thoái hóa sẽ dẫn đến những hậu quả như:
Đất bị mất đi các ion và các chất dinh dưỡng thiết yếu như natri, kali, canxi, magie. Hệ vi sinh vật tự nhiên giảm, đất giảm độ phì nhiêu, kém tơi xốp. Từ đó, chất lượng nông sản và năng suất giảm đáng kể.
Cấu trúc đất tự nhiên của đất bị thay đổi, khả năng thoát nước và hấp thụ chất dinh dưỡng kém, không khí khó lưu thông. Cây trồng khó phát triển, rễ khó bám vào mặt đất nên dễ đổ, nghiêng cây.
Đất bị bạc màu, chai sạn còn ảnh hưởng đến dòng chảy tự nhiên của mạch nước ngầm, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người.
2. Những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đất bị bạc màu, thoái hóa
Do thiên tai tự nhiên
Đất có thể bị bạc màu, thoái hóa do các hiện tượng thiên tai. Dòng chảy của các cơn lũ, cơn mưa lớn có thể làm xói mòn, cuốn trôi các thành phần hữu cơ tự nhiên của đất. Bên cạnh đó, các hiện tượng phong hóa tự nhiên cũng có thể làm thay đổi thành phần, tính chất của đất, làm đất bị chai cứng.
Do trồng độc canh
Việc chỉ trồng một loại cây trên một thửa đất trong một thời gian dài sẽ khiến đất bị cạn kiệt một số chất hữu cơ, chất dinh dưỡng. Hiện tượng này rất phổ biến ở những vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm.
Do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật
Khi lạm dụng phân hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ dẫn đến sự tồn dư hàm lượng hóa chất trong đất. Dưới tác động của môi trường, những hóa chất tồn dư này sẽ tạo ra các phản ứng hóa học làm thay đổi tính chất của đất, làm đất bị bạc màu, thoái hóa.
Do hoạt động đốt rừng làm nương rẫy
Hoạt động đốt rừng làm nương rẫy không có sự kiểm soát đã khiến một phần không nhỏ diện tích đất đồi núi bị xói mòn, thoái hóa. Việc làm nương rẫy mang tính ngắn hạn, canh tác thô sơ khiến đất rừng nhanh chóng cạn kiệt dinh dưỡng. Khi không có các biện pháp phục hồi, phủ xanh, phần đất đó sẽ bị bỏ hoang, từ đó khiến hiện tượng xói mòn, lũ quét, sạt lở thêm trầm trọng.
Do chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người
Chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp chứa rất nhiều kim loại nặng gây hại cho môi trường tự nhiên. Khi những chất thải này không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường, nó sẽ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, gây hại cho hệ sinh thái. Như một hệ quả tất yếu, những vùng đất, nước bị xả thải sẽ bị thoái hóa.
3. Kết luận
Như vậy, có thể thấy phần lớn nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đất bạc màu, thoái hóa là do hoạt động của chính con người. Điều này đặt ra bài toán về sự cân bằng, hài hòa giữa bảo vệ môi trường và lợi ích kinh tế. Đó không chỉ là vấn đề riêng của ngành nông nghiệp mà còn là vấn đề chung của cả xã hội, đòi hỏi sự chung tay, hỗ trợ của các cấp quản lý để có thể đưa ra các giải pháp dài hạn, định hướng cho một nền nông nghiệp xanh bền vững.
CÔNG TY TNHH GIẢI PHÁP NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT THÁI
Văn Phòng Đại Diện: 18 Huỳnh Tấn Phát, Phường 11, TP. Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng
Hỗ trợ kỹ thuật: 0344 002 219
Comments